Bài báo giáo dục: MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP HỌC CỦA SINH VIÊN TRONG ĐÀO TẠO THEO HỌC CHẾ TÍN CHỈ
Trang 1 trong tổng số 1 trang
Bài báo giáo dục: MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP HỌC CỦA SINH VIÊN TRONG ĐÀO TẠO THEO HỌC CHẾ TÍN CHỈ
TS. Lê Thị Xuân Liên
1. Học là gì?
Việc học được quy chiếu dưới nhiều góc độ khác nhau như: “Học là quá trình nghiền ngẫm, đọc đi đọc lại, nhắc đi nhắc lại để ghi nhớ, để bắt chước, để hiểu, để làm” (1) hoặc “Học, cốt lõi là tự học, là quá trình phát triển nội tại, trong đó chủ yếu là tự thể hiện và biến đổi mình, tự làm phong phú giá trị của mình bằng cách thu nhận, xử lý và biến đổi thông tin bên ngoài thành tri thức bên trong của con người mình” (2). Tuy nhiên, học như thế nào để có hiệu quả, biến quá trình học thành quá trình tự học là vấn đề được nhiều người quan tâm. Với yêu cầu dạy học lấy học sinh sinh viên (HS, SV) làm trung tâm trong đào tạo theo học chế tín chỉ, nghĩa là HS, SV phải được nói, được tìm hiểu, khám phá tri thức, hay được hoạt động, được làm, “Học trong hoạt động và bằng hoạt động” (Nguyễn Bá Kim) thì một vấn đề đặt ra là HS, SV phải biết cách học như thế nào, tìm hiểu, hoạt động như thế nào. Đó chính là vấn đề “Phương pháp (PP) học của HS, SV” (3). Theo Lâm Quang Thiệp, dạy cách học được coi là một tiêu chí quan trọng trong dạy học ở bậc đại học (4). Vì vậy, việc nghiên cứu và vận dụng để dạy cách học, hướng dẫn HS, SV cách học là điều hết sức cần thiết.
2. Về PP học
Theo một số nhà nghiên cứu thì có thể đưa ra một số PP học sau đây (2), (3): - Các PP thu nhận thông tin; - Các PP xử lý thông tin; PP nghiên cứu khoa học ; - PP rèn luyện tư duy; - PP tương tác, hợp tác; - PP tự kiểm tra, tự điều chỉnh.
1) Các PP thu nhận thông tin:
- PP đọc sách và ghi chép: Đọc từng đoạn, từng chương, từng nội dung của tài liệu và ghi chép những vấn đề cơ bản, tóm tắt nội dung hoặc đề cương là giúp người học nắm được tổng thể kết quả nội dung đã học là gì, có khi làm sáng tỏ vấn đề người học đang cố tìm hiểu thêm về một đối tượng, một nội dung trong quá trình học. Đây cũng là cách thu nhận thông tin thường xuyên nhất của người học. Trong quá trình dạy học, giảng viên (GV) yêu cầu sinh viên đọc một tài liệu hoặc một số trang của của tài liệu, tìm hiểu và tóm tắt nội dung trước khi đến lớp. Cũng có khi giao phần đọc thêm sau khi đã học một nội dung để bổ sung kiến thức, làm rõ thêm vấn đề mà GV không giảng trên lớp. Kiểm tra bằng kết quả tóm tắt của SV, trả lời một số câu hỏi (CH) do GV đưa ra;
- PP hỏi: Hỏi là tự mình đặt CH trong quá trình học để tìm hiểu và giải đáp một số vấn đề chưa rõ, cần làm sáng tỏ. Hỏi và tìm câu trả lời là cách thức không chấp nhận dễ dàng một vấn đề khi chưa hiểu rõ và thể hiện tư duy tích cực trong quá trình học tập. Biết cách đặt câu hỏi cũng là biết cách nhận diện, khám phá các khía cạnh của vấn đề, cần dành thời gian cho SV hỏi, hoặc sử dụng trong khi SV thảo luận, hoặc sau khi một nhóm trình bày kết quả thảo luận của mình, GV yêu cầu các nhóm khác thảo luận, chất vấn nhóm vừa trình bày. GV hướng dẫn SV sử dụng các câu hỏi có các từ hỏi: Cái gì, là gì? Tại sao, vì sao? Ở đâu? Khi nào? Như thế nào? Khuyến khích SV hỏi và có thể cộng điểm cho SV, cho nhóm nếu hỏi được câu hỏi đúng và hay;
- PP nghe giảng: Nghe giảng là điều cần thiết của HS, SV để thu nhận thông tin từ GV. Nghe giảng giúp HS, SV biết được những điều đơn giản của nội dung bài học qua người đã nghiên cứu, có kinh nghiệm, có hiểu biết về nội dung cần học, đồng thời được phân tích, minh họa qua các ví dụ. Cách trình bày, tiếp cận, nhấn mạnh những điều cơ bản của GV qua cử chỉ, giọng nói làm cho HS, SV chú ý, hiểu và ghi nhớ hơn, thu nhận thông tin tốt hơn. Yêu cầu SV đi học chuyên cần, có ghi chép và kiểm tra là cách giúp SV nghe giảng thường xuyên, không bỏ qua các bài giảng của GV;
- PP nhớ: Ghi nhớ những vấn đề cơ bản để sử dụng trong các trường hợp cần thiết là yêu cầu bắt buộc ở một số nội dung trong quá trình học, ví dụ khái niệm, định nghĩa, quy tắc, quy trình, định lý, định luật, công thức tính… Ghi nhớ là cách thu nhận thông tin cơ bản không thể thiếu trong quá trình học, bằng cách lặp đi lặp lại một vài lần, hoặc ứng dụng một số lần cho đến khi thuộc. Có thể nhớ nội dung, cũng có thể nhớ phương pháp, cách tìm nó ở đâu, như thế nào. Yêu cầu SV học thuộc, nhớ những điều cơ bản, hỏi đi hỏi lại SV, hướng dẫn SV cách học và nhớ, vận dụng sẽ giúp SV nhớ và nhớ lâu hơn;
- PP dùng từ điển, sử dụng CNTT: Từ điển giúp người học tra cứu để làm rõ khái niệm, từ đó hiểu nội hàm khái niệm, có thể có ví dụ minh họa. Tra từ điển cũng là cách thu nhận thông tin nhanh và bổ ích cho HS SV khi cần tìm hiểu một khái niệm bắt gặp mà chưa có lời giải thích hoặc chưa hiểu rõ nội hàm của nó. GV yêu cầu SV tìm hiểu, giải thích các thuật ngữ, tạo điều kiện cho SV tra từ điển, học qua từ điển. Bản thân GV khi giảng, trình bày cũng liên hệ theo từ điển thì từ, cụm từ, thuật ngữ đó được hiểu như thế nào để SV có thói quen sử dụng từ điển trong học tập và cuộc sống;
- PP học trong sự tập trung tư tưởng cao độ: Học trong sự tập trung tư tưởng cao độ giúp người học nhớ và hiểu được những vấn đề cơ bản của tri thức, tính logic của nội dung, thông tin thu được nhiều và nhanh hơn. Thường thì tập trung tư tưởng cao độ sẽ giúp người học hiểu kỹ hơn, nhớ lâu hơn, do vậy cũng là PP thu nhận thông tin tích cực. Ở lớp, GV yêu cầu SV tập trung chú ý, thỉnh thoảng hỏi lại vấn đề vừa trình bày, làm cho SV phải tập trung chú ý. Yêu cầu SV về nhà phải có kế hoạch học tập và tập thói quen tập trung tư tưởng học trong khi thực hiện kế hoạch học tập trong một thời gian nhất định.
2) Các PP xử lý thông tin:
- Diễn đạt ý kiến: Diễn đạt ý kiến là trình bày cho người khác hiểu một nội dung theo cách hiểu của mình. Bằng cách sắp xếp và trình bày theo một ý tưởng nào đó, hình thức nào đó, diễn đạt ý kiến chính là xử lý thông tin theo cách riêng của mình theo một logic xác định. GV thường xuyên tạo điều kiện, yêu cầu SV lần lượt thay nhau trình bày trong nhóm, không có ai không có ý kiến riêng của mình sẽ giúp SV diễn đạt tốt hơn trong quá trình học;
- Học bằng PP tiếp cận hệ thống: Tiếp cận hệ thống là xem xét sự vật trong một thể thống nhất với các yếu tố có quan hệ, ràng buộc lẫn nhau, phụ thuộc nhau, ảnh hưởng đến nhau. Khi thay đổi một thành phần, một yếu tố trong hệ thống thì các yếu tố khác cũng có sự thay đổi. Vì vậy, PP tiếp cận hệ thống giúp cho HS, SV gắn các đối tượng có liên quan trong một chỉnh thể để xem xét, phát hiện các mối quan hệ giữa chúng trong quá trình học. Yêu cầu SV lập đề cương, lập sơ đồ tóm tắt một chương sau khi học sẽ giúp SV sắp xếp, liên kết các vấn đề thành hệ thống, theo một cấu trúc nào đó và có sự giải thích cũng là một cách giúp SV tiếp cận hệ thống;
- Đặt CH: Đặt CH để tìm hiểu, để phân loại, sắp xếp đối tượng theo một cấu trúc, hệ thống nào đó. Đó cũng là cách xử lý thông tin một cách tích cực từ người học. Bản thân GV cần đặt CH và yêu cầu SV đặt CH trong quá trình học;
- Nghiên cứu theo nhóm: Nghiên cứu theo nhóm giúp các thành viên trong nhóm giải quyết các vấn đề khác nhau do nhóm đặt ra và phân công cho các thành viên. Đó là cách xử lý thông tin theo PP liên kết mạng. Nghiên cứu theo nhóm không chỉ giúp người học thu nhận thông tin của nội dung cần nghiên cứu một cách tổng thể mà còn thu nhận thông tin qua PP thực hiện, xử lý thông tin của các thành viên trong nhóm. GV giao việc, hướng dẫn SV hoạt động nhóm và kiểm tra kết quả để giúp SV nghiên cứu theo nhóm và xử lý thông tin trong quá trình học;
- Lập sơ đồ: Là một cách sắp xếp các thông tin theo một kiểu nào đó làm nổi bật đặc tính của sự vật, hiện tượng, có sự so sánh, đối chiếu với một chuẩn nào đó. Lập sơ đồ và cách xử lý thông tin, đưa thông tin vào mối quan hệ, so sánh, đối chiếu với các định mức, tiêu chuẩn cần thiết. Tùy vào nội dung bài học mà GV yêu cầu SV lập sơ đồ, biểu bảng phù hợp;
- Viết đoạn văn: Viết đoạn văn với những yêu cầu trình bày, diễn tả nội dung có liên quan đến việc mô tả, so sánh, phân tích, tổng hợp một vấn đề. Có khi sử dụng trong thuyết minh một vấn đề, bảo vệ một luận điểm bằng ngôn ngữ. Đó cũng là cách xử lý thông tin bằng ngôn ngữ thông thường khi cần thiết;
- Sắp xếp khái niệm: Sắp xếp khái niệm là xử lý thông tin theo một trật tự logic, một hệ thống, một đặc điểm hoặc một tính chất nào đó. Khi có nhiều khái niệm khác nhau, GV cho SV sắp xếp các khái niệm để hiểu rõ mối quan hệ giữa các khái niệm, làm cho SV hiểu rõ hơn nội dung bài học;
- Viết tóm tắt từ các bảng ghi chép: Đây là cách xử lý thông tin qua cách hiểu của người học bằng cách thu thập, tổng hợp, chắt lọc, sắp xếp lại các tri thức theo một yêu cầu nào đó sau khi đã ghi chép một số nội dung.
3) PP nghiên cứu khoa học: Bài tập nghiên cứu; Khóa luận tốt nghiệp; Luận văn tốt nghiệp là những PP giúp người học trình bày những vấn đề nghiên cứu theo một trình tự, hệ thống, logic về các kiến thức, kỹ năng học được trong quá trình học tập. Nó thể hiện cao nhất kết quả học tập của người học. Nó cũng thể hiện năng lực, trình độ, khả năng phân tích, tổng hợp, cách trình bày, diễn đạt một vấn đề của người học. Những quy định về các phương pháp thực hiện hình thức học tập này có các quy định riêng có thể tham khảo ở các tài liệu khác mà chúng tôi không trình bày ở đây.
4) PP rèn luyện tư duy: Học là quá trình nhận thức, hiểu và nắm tri thức, từ đó vận dụng trong thực tế. Tư duy là giai đoạn cao của quá trình nhận thức, cho phép người học đi sâu vào bản chất và phát hiện ra tính quy luật của sự vật, hiểu được bản chất và mối quan hệ của sự vật, hiện tượng. PP rèn luyện tư duy giúp người học hiểu sâu kiến thức, nắm bản chất của sự vật, hiện tượng, biết cách suy luận để tìm hiểu vấn đề và giải quyết vấn đề. Rèn luyện tư duy là cách giúp người học có phương pháp học, cách học tốt, phẩm chất trí tuệ cao, kết hợp với rèn luyện các phẩm chất của nhân cách để rèn luyện tư duy cho HS, SV trong quá trình tự học, GV chú ý sử dụng các thao tác tư duy so sánh, phân tích, tổng hợp, tương tự, khái quát hóa, trừu tượng hóa. Đồng thời sử dụng các PP suy luận như suy diễn, quy nạp, hay PP khám phá, tìm tòi. GV cần kết hợp tư duy logic, tư duy biện chứng và các loại hình tư duy khác (Tư duy phê phán, tư duy sáng tạo…) trong dạy học. Sau khi thực hiện các thao tác, PP trên, cần cho SV nhìn lại, nhận xét, đánh giá lại kết quả và bước đi của mình để học cách tư duy, học PP tư duy, dần hình thành thói quen và bồi dưỡng các phẩm chất trí tuệ cho SV.
5) PP tương tác, hợp tác: Theo Nguyễn Hữu Châu, trong dạy học hợp tác, có thể vận dụng tổ chức bài học hợp tác với các hình thức như sau:
- Ghi chép bài hợp tác theo cặp;
- Cùng tóm tắt bài với người bên cạnh;
- Đọc và giải thích tài liệu theo cặp;
- Từng cặp cùng viết bài và chỉnh sửa bài;
- Ôn luyện theo cặp;
- Giải quyết vấn đề theo cặp;
- Tranh luận về các vấn đề của bài học;
- Điều tra nhóm (4).
Các PP này giúp người học nỗ lực nhiều hơn, hiệu suất làm việc cao hơn, trạng thái tâm lý tốt hơn, có mối quan hệ tích cực hơn với nhau trong học tập. Trong quá trình dạy và học, tùy từng nội dung mà GV yêu cầu, hướng dẫn SV thực hiện PP tương tác, hợp tác trong học tập cho phù hợp, đặc biệt tổ chức hoạt động tương tác hợp tác trong các giờ thực hành, ôn tập, thực hiện chuyên đề. GV có thể kiểm tra và đánh giá kết quả của các cặp, các nhóm sau khi thực hiện.
6) PP tự kiểm tra, tự điều chỉnh: Tự kiểm tra, tự điều chỉnh là một yêu cầu đối với SV trong dạy học theo hệ tín chỉ để giúp SV tự chủ, biết đánh giá kết quả học tập, làm việc của bản thân, dần hình thành tính độc lập, tính trách nhiệm, tính tự chủ của bản thân. Để giúp SV tự kiểm tra, tự điều chỉnh, GV có thể sử dụng các hình thức:
- Phân tích một CH, lập dàn ý trả lời một câu hỏi;
- Làm bài kiểm tra trắc nghiệm khách quan;
- Chuẩn bị bài kiểm tra viết;
- Chuẩn bị bài thi tự luận;
- Học từ các tín hiệu phản hồi.
3. Một số chú ý trong dạy học:
Dạy học theo tín chỉ thường sử dụng nhiều hình thức khác nhau như: giảng lý thuyết, làm bài tập, thảo luận, seminar, hướng dẫn tự học tự nghiên cứu, HS, SV tự học, làm việc độc lập hoặc theo nhóm. Với mỗi hình thức có thể áp dụng các PP dạy và hướng dẫn, tổ chức hoạt động học phù hợp cho HS, SV. Các hoạt động học, các PP học thường được kết hợp đan xen lẫn nhau, hỗ trợ nhau. Vì vậy việc lựa chọn và sử dụng chúng là hết sức cần thiết, cũng cần sử dụng thường xuyên để tạo cho SV có thói quen, có PP học tốt. Bên cạnh đó, kiểm tra đánh giá là khâu bắt buộc, thường xuyên đối với mỗi GV khi giao bài, giao việc cho SV. Cần kiên trì thực hiện trong suốt quá trình giảng dạy một học phần, tạo môi trường, điều kiện cho SV thực hiện.
(1)Từ điển giáo dục học. NXB Từ điển bách khoa, H.2001.
(2) Phạm Gia Đức – Phạm Đức Quang. Giáo trình dạy học sinh trung học cơ sở tự lực tiếp cận kiến thức toán học. NXB Đại học sư phạm, H.2007.
(3)Nguyễn Cảnh Toàn – Nguyễn Kỳ - Nguyễn Khánh Bằng – Vũ Văn Tảo. Học và dạy cách học. NXB Đại học sư phạm, H.2004.
(4)Nguyễn Hữu Châu – Nguyễn Văn Cường – Trần Bá Hoành – Nguyễn Bá Kim – Lâm Quang Thiệp. Đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo giáo viên trung học cơ sở theo chương trình CĐSP mới. Bộ GD- ĐT, Dự án đào tạo giáo viên THCS, H.2007.
Copy từ: http://donga.edu.vn/xhnv/HoTroHT/tabid/2546/cat/1751/ArticleDetailId/6835/ArticleId/6833/Default.aspx
Similar topics
» Bài báo giáo dục: RÈN LUYỆN KĨ NĂNG TỰ HỌC CHO SINH VIÊN TRONG ĐÀO TẠO THEO HỌC CHẾ TÍN CHỈ
» GS Ngô Bảo Châu: 'Vấn đề của giáo dục Việt Nam là sự tha hóa'
» NHỮNG VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG
» QUI ĐỊNH ĐĂNG KÝ THÀNH VIÊN
» GS Ngô Bảo Châu: 'Vấn đề của giáo dục Việt Nam là sự tha hóa'
» NHỮNG VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG
» QUI ĐỊNH ĐĂNG KÝ THÀNH VIÊN
Trang 1 trong tổng số 1 trang
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết