Còn sống là còn học!
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Bài báo giáo dục: RÈN LUYỆN KĨ NĂNG TỰ HỌC CHO SINH VIÊN TRONG ĐÀO TẠO THEO HỌC CHẾ TÍN CHỈ

Go down

Bài báo giáo dục: RÈN LUYỆN KĨ NĂNG TỰ HỌC CHO SINH VIÊN TRONG ĐÀO TẠO THEO HỌC CHẾ TÍN CHỈ Empty Bài báo giáo dục: RÈN LUYỆN KĨ NĂNG TỰ HỌC CHO SINH VIÊN TRONG ĐÀO TẠO THEO HỌC CHẾ TÍN CHỈ

Bài gửi  Admin Mon Jul 29, 2013 6:48 am


TS. Hoàng Thảo Nguyên
ThS. Nguyễn Thị Phương Thanh
1. Bản chất của học chế tín chỉ
Cuộc cách mạng về khoa học và công nghệ trên thế giới cũng như ở Việt Nam đòi hỏi giáo dục và nhà trường phải chuyển biến theo cho phù hợp. Trong thời đại bùng nổ thông tin, thị trường lao động đòi hỏi nhà trường phải đào tạo những con người năng động, có khả năng thích ứng nhanh nhạy với biến đổi không ngừng của cuộc sống. Họ phải có khả năng tự học tự nghiên cứu để cập nhật thông tin, nhất là khi không còn ngồi trên ghế nhà trường. Học tập suốt đời là phương châm sống của mỗi người trong thời đại chúng ta. Do đó, nhà trường phải trang bị cho người học phương pháp tự học, tự nghiên cứu.
Tinh thần cốt lõi của dạy học theo học chế tín chỉ chính là dạy học tích cực và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học. Dạy học tích cực hay phương pháp tích cực đều có cùng đặc điểm với tinh thần “dạy học lấy người học làm trung tâm”. Cách dạy của thầy không còn là truyền thụ một chiều, chỉ cung cấp thông tin nữa mà là dạy cách học, cách học của trò không chỉ là tích lũy kiến thức mà phải nắm lấy cách tự học [3]. Các nghiên cứu về phương pháp dạy học trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã cho thấy chừng nào thầy còn dạy theo kiểu truyền thụ một chiều, trò còn học theo kiểu ghi nhớ kiến thức, kiểm tra đánh giá nặng về kiến thức, coi nhẹ kĩ năng, tư duy thì chất lượng đào tạo còn hạn chế, sản phẩm đào tạo không đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quyết định số 43/2007/QĐ- BGDĐT ngày 15 tháng 8 năm 2007 về việc ban hành “Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ”. Đó là bước đột phá chiến lược nhằm nâng cao chất lượng đào tạo bậc đại học, cao đẳng ở nước ta.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều giảng viên quan niệm: trong tiết dạy, cần diễn giảng sao cho hấp dẫn, cần có minh họa bài giảng sao cho đầy đủ, phong phú, cần đem đến cho người học nhiều thông tin bổ ích... như thế là tiết dạy tốt. Quan niệm trên đây đúng nhưng chưa đủ. Trong học chế tín chỉ: “Cấu trúc nội dung, chương trình dạy học và xây dựng đề cương môn học cũng như kĩ thuật soạn giảng cho các loại bài lên lớp theo tinh thần “dạy học là hướng dẫn cách học” phù hợp với các phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo học chế tín chỉ”; “Giảm số giờ lên lớp, không phải là cắt giảm khối lượng kiến thức môn học. Cần phải tích cực đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng tận dụng các giờ lên lớp để hướng dẫn chi tiết, cụ thể cho việc tự học và giải đáp mọi thắc mắc của người học, giúp đỡ họ giải quyết khó khăn khi tiến hành tích lũy nội dung dạy học theo yêu cầu của môn học”. [1, tr. 80]
2. Với ba giai đoạn học tập của SV là trước, trong và sau khi dự học ở lớp, chúng tôi đề xuất một số biện pháp rèn luyện kỹ năng tự học cho sinh viên trong đào tạo theo học chế tín chỉ.
1) Hướng dẫn sinh viên tự học trước khi đến lớp dự học
“Sinh viên dự học ở lớp” trước đây thường được gọi là “nghe giảng” (Sinh viên đến lớp nghe giảng). Nhưng cụm từ này gợi lên quan niệm cũ về dạy học: chỉ có thầy làm việc, truyền thụ một chiều, học tập thụ động, thầy giảng – trò nghe. Do vậy nên dùng cụm từ dự học ở lớp.
Theo GS. TS. Trần Bá Hoành [2] và GS. TS. Vũ Văn Tảo [3]: “Đổi mới việc dạy phải đi song song với đổi mới việc học”. Sinh viên là đối tác của việc dạy, là chủ nhân của việc học. Nếu sinh viên đến trường dự học mỗi tiết học bắt đầu từ “mốc số không”, vào giờ mới bắt đầu khởi động thì đó là học tập bị động, kém chủ động. Nếu muốn rèn luyện kĩ năng tự học, rèn phong cách học tập tích cực, chủ động, GV phải hướng dẫn SV học tập chu đáo, chuẩn bị bài, học trước bài ở nhà, đến lớp sẽ học tập trong tâm thế chủ động, không phải mất thời gian vào “làm quen” với bài học mới, SV có thể nhanh chóng nắm bắt kiến thức mới, có thể dễ dàng hơn khi trả lời các câu hỏi của giảng viên so với khi chưa suy nghĩ, chưa tiếp cận vấn đề, có thể tự trình bày những nội dung đã nghiên cứu trước ở nhà và có thể phản biện các nội dung của bạn trình bày... Sinh viên có thể đọc giáo trình, tài liệu trước nhưng không có sự hướng dẫn của giảng viên thì chất lượng đọc - hiểu rất hạn chế. Trình độ của họ đối với bài mới đó như người mới đến địa phương lạ không có người dẫn đường. Vì vậy, giảng viên cần hướng dẫn học cụ thể chu đáo. Tuy ai cũng nhận thức được ý nghĩa của điều này nhưng còn nhiều giảng viên chưa có cách làm hiệu quả. Nhiều giảng viên kêu rằng: sinh viên lười! Nhưng thực chất không hoàn toàn như vậy. Giảng viên chưa có biện pháp hướng dẫn học hiệu quả thì chưa thể kết luận sinh viên chưa tích cực.
Hướng dẫn học tập không chỉ bằng lời nói âm thanh của giảng viên trên lớp, bởi rất có thể “lời nói gió bay”, nhất là đối với những người ý thức học tập chưa cao và cuối giờ học, tâm thế thường kém tập trung. Do vậy cần tường minh hóa hướng dẫn đó bằng văn bản. Song song với từng bài, từng tuần cần thiết kế hệ thống câu hỏi hoặc chỉ dẫn giúp sinh viên tự tìm hiểu bài trước khi dự học ở lớp. Có thể cuối bài trước chuyển cho sinh viên câu hỏi hướng dẫn tự học cho bài sau. Nhưng tốt nhất là chuyển cho lớp toàn bộ hệ thống hướng dẫn học học phần ngay từ buổi lên lớp đầu tiên. Sinh viên sẽ hoàn toàn chủ động trong việc bố trí thời gian tự học trên nội dung yêu cầu của giảng viên. Trong hướng dẫn học cần chỉ rõ cá nhân làm việc với nhiệm vụ gì, nhóm cần chuẩn bị gì, từ đó họ phân công nhiệm vụ, tìm tài liệu, tập trình bày... Ở các nước tiên tiến, đi kèm với mỗi bộ giáo trình là tài liệu hướng dẫn học – study guide.
Tiến thêm một bước nữa, cần quy định tất cả nội dung tự học, bao gồm: kết quả ghi chép khi đọc giáo trình, tài liệu tham khảo, thu thập bài báo khoa học, tranh ảnh... liên quan đến học phần cần được tập hợp lại làm thành Hồ sơ tự học học phần, lưu trữ lâu dài, làm hành trang cho sinh viên khi ra trường, làm việc. Giảng viên có thể kiểm tra việc tự học của sinh viên qua hồ sơ tự học và đánh giá nó bằng cột điểm chuyên cần.
2) Rèn kĩ năng thuyết trình và kĩ năng nghiên cứu cho sinh viên ở lớp
Giờ dạy học được đánh giá là tích cực khi giảng viên giảng dạy trên cơ sở sự chuẩn bị chủ động của sinh viên, tương tác giữa sinh viên với nhau và tương tác giữa thầy và trò. Kết quả tự học của sinh viên cần được thể hiện, được bạn và thầy nhận xét, góp ý, đánh giá. Do vậy, khi dạy học bài mới, giảng viên cần tổ chức cho sinh viên báo cáo kết quả tự học bằng việc thuyết trình trước lớp. Có thể nâng dần yêu cầu thuyết trình để nâng dần trình độ, kĩ năng học tập của sinh viên từ: không đọc trước tài liệu đến có đọc trước nhưng không có hướng dẫn; có đọc trước theo hướng dẫn của giảng viên; có đọc trước theo hướng dẫn của giảng viên và chuẩn bị trình bày trước lớp bằng lời; trình bày phối hợp ghi bảng cho đến mức phối hợp trình bày qua phương tiện hiện đại như máy chiếu với chương trình power point, làm chủ các slide hoặc các phương tiện chuyên ngành khác.
Qua việc tự học có hướng dẫn, rèn luyện cách trình bày trước lớp, sinh viên tiến bộ lên rất nhiều. Họ có kĩ năng đọc - hiểu tài liệu chuyên ngành; họ nắm được phương pháp nghiên cứu chuyên ngành với sự hỗ trợ của thầy; có kĩ năng làm việc nhóm; có kĩ năng về công nghệ thông tin, internet; họ có phẩm chất cần cù, nghiêm túc, không ỷ lại, trông chờ, chủ động, tích cực và sáng tạo...
Như vậy hướng dẫn sinh viên tự học chu đáo, kiên trì thực hiện bài giảng ở lớp trên cơ sở sinh viên đã chuẩn bị ở nhà, tổ chức các hoạt động học tập ở lớp cho họ có rất nhiều lợi ích vì vậy cần quán triệt tinh thần này vào từng học phần, môn học.
3) Hướng dẫn sinh viên tự học sau khi dự học ở lớp
Đặc điểm của giai đoạn này là sinh viên đã có kiến thức và kĩ năng bước đầu. Nhiệm vụ tiếp theo là củng cố, mở rộng kiến thức, nâng cao kĩ năng (kĩ năng gắn với bài học) cho sinh viên. Do vậy câu hỏi và bài tập ở giai đoạn này cần chú trọng hướng sinh viên vào các năng lực: hệ thống hóa, khái quát tổng hợp, kết nối, tổng thuật nhiều tài liệu, tiếp tục giải quyết các bài tập, tình huống gắn với thực tế chuyên ngành.
***
Trong đào tạo theo học chế tín chỉ, đổi mới phương pháp dạy học hay dạy học tích cực là một yêu cầu có tính nguyên tắc. Trong dạy học tích cực thì dạy kĩ năng tự học nhằm đào tạo con người tự tin, biết hợp tác, tự phát triển là điểm mấu chốt. Mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra của nhà trường sẽ không đạt được nếu mỗi giảng viên không cụ thể hóa lý luận chung vào soạn dạy từng môn học, học phần, bài học, tiết học, vào mọi khâu của quá trình dạy học. Căn cứ trên đặc điểm của từng thời đoạn học tập, đặc trưng của từng chuyên ngành, giảng viên hướng dẫn sinh viên học tập thật cụ thể, khoa học. Giảng viên phải thực sự là “chuyên gia về việc học” [3]. Đồng thời cần có các biện pháp kiên trì hình thành thói quen tích cực tự học, chống thói quen ỷ lại, khích lệ động viên, khenngợi tính tự giác, tinh thần trách nhiệm của sinh viên. Các biện pháp quản lí của nhà trường như các quy định về chuyên môn cũng hết sức quan trọng tạo thành động lực thúc đẩy sự đổi mới trong toàn trường.
Tài liệu tham khảo
1. PSG.TS. Đặng Xuân Hải Kĩ thuật dạy học trong đào tạo theo học chế tín chỉ, Nhà xuất bản Bách khoa Hà Nội, 2011.
2. GS. TS. Trần Bá Hoành, Lý luận cơ bản về dạy và học tích cực, (Dự án đào tạo GV THCS) Hà Nội, 2003.
3. GS. TS. Vũ Văn Tảo, Dạy cách học, (Dự án đào tạo GV THCS) Hà Nội, 2003.
4. Wilbert J. McKeachie, Những thủ thuật trong dạy học, các chiến lược, nghiên cứu và lý thuyết về dạy học dành cho các giảng viên đại học và cao đẳng, Dự án Việt – Bỉ (Đào tạo giáo viên các trường sư phạm 7 tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam)
5. GS. TSKH. Bernd Meier, Các phương pháp dạy học hiện đại bậc cao đẳng và đại học (Dự án đào tạo giáo viên), 2002.
6. Đại học Huế, Trường Đại học Sư phạm, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Đổi mới phương pháp dạy học Đại học trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ, Huế, tháng 3 năm 2009.

Bài đã đăng trên “Tạp chí Giáo dục” (Tạp chí lý luận – khoa học * Bộ GD&ĐT) Số đặc biệt 3/2012
Copy từ: http://donga.edu.vn/xhnv/HoTroHT/tabid/2546/cat/1751/ArticleDetailId/6837/ArticleId/6835/Default.aspx
Admin
Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 148
Join date : 22/01/2011

https://matmang.forumvi.net

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết